Tiêu chuẩn, chính sách mới với đối tượng cử tuyển
Công tác cử tuyển được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019
có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành
Dự thảo Nghị định “Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc
thiểu số” (thay thế Nghị định số 134) và đăng tải xin ý kiến rộng rãi từ ngày
9/3 đến hết ngày 9/5.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ
Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT đã làm rõ những nội dung mới đáng chú ý của Dự thảo
này.
Đối
tượng cử tuyển không được quá 22 tuổi
Người
dân tộc thiểu số cần hội đủ những yếu tố nào để trở thành đối tượng cử tuyển
theo Dự thảo Nghị định thay thế này, thưa ông?
- Đối tượng cử tuyển phải là công dân Việt Nam và là người dân
tộc thiểu số rất ít người; là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức là người dân tộc thiểu số.
Đối tượng phải có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên
tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn (có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi, người nuôi dưỡng sống tại vùng này). Quy
định này nhằm hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu nhờ vào các gia đình thân quen,
họ hàng.
Để cử tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp, đối tượng phải học đủ 3 năm
học và thi tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu
thường trú.
Để cử tuyển vào trung cấp, đối tượng cần học đủ 4 năm học và tốt
nghiệp trung học cơ sở tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường
trú.
Vậy để được hưởng chế độ cử tuyển, cần lưu ý tiêu chuẩn mới nào,
thưa ông?
- Tiêu chuẩn hưởng chế độ cử tuyển sẽ được nâng lên trong Dự
thảo Nghị định mới. Theo đó, đối tượng cần tốt nghiệp THPT đối với người được
cử tuyển vào ĐH, CĐ; tốt nghiệp THCS hoặc THPT đối với đối tượng được cử tuyển
vào trung cấp (ưu tiên học sinh học tại trường phổ thông dân tộc nội trú).
Ngoài ra, đối tượng cần xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc
xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm
cuối cấp (hoặc cuối khóa) đạt loại khá trở lên với đối tượng được cử tuyển vào
đại học, loại trung bình trở lên với đối tượng được cử tuyển vào cao đẳng,
trung cấp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT.
Cũng theo quy định, những đối tượng này không được quá 22 tuổi
để đảm bảo thời gian công tác hợp lý sau bố trí việc làm.
Đạt
ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không phải học dự bị ĐH, CĐ
Được
biết, học sinh thuộc đối tượng cử tuyển nếu thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm
bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ được ưu tiên cử tuyển?
- Đúng vậy. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và ưu tiên chọn
cử người có tài năng, nâng cao chất lượng đầu vào đối với sinh viên theo học
chế độ cử tuyển. Quy định này cũng góp phần giúp học sinh có kế hoạch dài hạn,
thúc đẩy động lực học tập và hạn chế việc so bì giữa học sinh khá giỏi và học
sinh trung bình (được tuyển thẳng vào học cử tuyển và bố trí việc làm) trên
cùng một địa bàn.
Dự thảo mới cũng quy định chi tiết và bổ sung nội dung, chuyển
ngay vào đào tạo chính thức người được cử tuyển có kết quả kỳ thi THPT quốc gia
đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ theo quy chế tuyển sinh tại năm
xét đi học cử tuyển. Đối tượng này không phải học dự bị ĐH, CĐ nữa.
Một
trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bố trí việc làm cho người
được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Dự thảo Nghị định mới
quy định ra sao?
- Dự thảo mới quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc phối
hợp với các cơ sở giáo dục quy định cụ thể thời gian tối đa sinh viên cử tuyển
phải tốt nghiệp ĐH, CĐ. Điều đó sẽ phù hợp với thực tế từng ngành học, tính
chất và đặc điểm dân tộc, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh
trong xây dựng kế hoạch, cử người đi học và tuyển dụng sau tốt nghiệp.
Đặc biệt, phải thông báo công khai kế hoạch cử tuyển trước 12
tháng tính đến thời gian nhận hồ sơ đăng ký cử tuyển trên phương tiện thông tin
đại chúng của tỉnh.
Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và
bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho UBND cấp
tỉnh.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển hoặc gửi
hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm.
Thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với người được cử đi học theo
chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí
việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được
công nhận tốt nghiệp.
Người
học theo chế độ cử tuyển có những quyền và nghĩa vụ gì? Việc bồi hoàn học bổng,
chi phí đào tạo được quy định ra sao?
- Theo Dự thảo Nghị định mới, người học theo chế độ cử tuyển
được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và
hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời
gian đào tạo; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt
nghiệp.
Trong thời gian học tập, người học phải chấp hành các quy định
của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương
trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công.
Người học theo chế độ cử tuyển cần cam kết trước khi được cử
tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về việc bố trí việc làm sau
khi tốt nghiệp. Việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo áp dụng với người không
chấp hành việc xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo cam kết,
người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do UBND cấp
tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
Điều này nhằm ràng buộc và đảm bảo ổn định cán bộ ở vùng khó khăn như: Bác sỹ,
giáo viên, công nhân viên quốc phòng, an ninh...
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mức bồi hoàn và cách thức bồi hoàn
học bổng, chi phí đào tạo đối với người học theo chế độ cử tuyển quy định tại
Điều 12 của Nghị định này.
N.V.T