Trẻ trung, năng động và luôn tìm
tòi sáng tạo trong giảng dạy, đó là cô giáo Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1984, giáo viên trường THCS Tân Tiến (Đồng Phú). Bằng
sự nỗ lực và tâm huyết với nghề, cô đã đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp
“trồng người”.
Cô Xuân
và đội tuyển học sinh giỏi môn Vật Lý trường THCS tân Tiến
Sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc
Giang. Từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Xuân luôn ao ước trở thành giáo viên để được đứng
trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2002,
cô thi đỗ vào Khoa cao đẳng, ngành Lý-Hóa, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Trong thời gian theo học tại trường, cô luôn chăm chỉ học tập để lĩnh hội
kiến thức sau này truyền đạt cho học sinh. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn,
cô thường xuyên phải đi làm gia sư để trang trải cho học tập cũng như cọ xát thực tế. Tuy vậy, trong 3 năm học cao đẳng thì cả 3 năm cô
nhận học bổng của trường. Năm 2005, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng ở Bắc
Giang thời đó, không có chỉ tiêu cho ngành Lý –Hóa nên cô chưa xin được dạy học.
Cô cho biết: “Thời gian đó rất khó khăn, bản thân không muốn dựa dẫm vào
người khác nên tôi phải làm nhiều nghề để kiếm sống, lúc thì bán đồ gốm rồi làm
công nhân tại Bắc Giang. Sau đó vào thành phố Hồ Chí Minh đi làm công nhân, rồi
làm gia sư … nhưng với tình yêu nghề tôi luôn hi vọng một ngày nào đó mình sẽ
được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học sinh”.
Năm 2006, Bình Phước có chính
sách tuyển dụng giáo viên, cô gửi hồ sơ về Sở GD & ĐT tỉnh. Cô được
tuyển thẳng và phân công về giảng dạy tại trường THCS
Tân Tiến. Mới ra trường
chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu thốn… nhưng may mắn thay, ở chính ngôi trường còn nhiều khó khăn
này, cô được sự quan tâm của Ban giám hiệu và các đồng nghiệp. Cô thường xuyên tham gia các tiết dự giờ, từ đó học hỏi
thêm kinh nghiệm giảng dạy từ những giáo viên đi trước và tìm phương pháp giảng
dạy hiệu quả nhất. Cô Xuân cho biết: “Tôi thường xuyên tham khảo sách, báo,
internet và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để tích lũy kiến thức cho bản
thân. Với học sinh, tôi luôn đổi mới phương pháp truyền đạt để đạt hiệu quả.
Trong giờ học nâng cao, tôi chia nhóm học sinh theo lực học để giảng dạy phù hợp.
Tôi còn lồng ghép kiến thức nâng cao vào từng bài học cụ thể để các em phát huy
được tính sáng tạo. Trong giờ học, tôi luôn lấy học sinh làm trung tâm để các
em tự giải quyết vấn đề nhằm phát huy hết khả năng. Tôi còn chú trọng giáo dục
kỹ năng sống, đạo đức, nề nếp... giúp học sinh phát triển toàn diện hơn
và định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS
”.
Cô còn nhớ rất rõ về trường hợp của một học sinh cá biệt. Năm học
2009-2010, em Hoàng Văn Nhã, học sinh lớp 9A5
thường xuyên bỏ học chơi game… cô đã phối hợp với gia đình kèm cặp và động viên để em chú tâm học tập. Cô kể:
“Có lúc tôi phải cùng một số học sinh trong
lớp chạy lên vườn điều ở trên đồi cao để tìm và động viên em vào lớp học.
Sau một thời gian, Nhã chú tâm hơn trong học tập và không bỏ học nữa. Sau khi tốt
nghiệp THCS, Nhã theo học nghề rồi đi làm và giờ em đang thực hiện nghĩa vụ
quân sự với Tổ Quốc”.
Với tình yêu nghề, cô đã nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp giáo dục
và gặt hái được nhiều thành tích đáng trân trọng. Hơn 12 năm công tác trong
ngành giáo dục, năm nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học
2017-2018, cô được Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện phân công là tổ trưởng tổ ôn
luyện học sinh giỏi môn Vật Lý cấp tỉnh, trong số 10 học
sinh nằm trong đội tuyển thì có tới 9 em đạt học sinh giỏi môn Vật Lý cấp tỉnh,
trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba, 3 giải khuyến khích. Trong những năm công tác tại trường
THCS Tân Tiến cô còn bồi dưỡng nhiều học sinh đoạt giải cao trong các hội thi Violympic
Vật Lý cấp
huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt, trường THCS Tân
Tiến có khoảng hơn 10 học sinh do cô bồi dưỡng
thi đậu vào trường chuyên Quang Trung môn Vật Lý.
Bên cạnh
đó, cô Xuân còn đam mê môn Hóa Học, năm 2006, cô tham gia học đại học từ xa
ngành Sư phạm Hóa học, Đại học Huế và tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Ngoài
những kiến thức được học tại trường, cô
còn tìm tòi nghiên cứu các thí nghiệm, tự học hỏi và bổ sung thêm kiến thức.
Cũng năm học 2009-2010, cô tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn
Hóa học. Sau khi đậu cấp huyện, cô bị suy nhược cơ thể phải đi truyền nước,
truyền đạm tại bệnh viện. Được sự động viên của Ban giám hiệu nhà trường, cô cố
gượng dậy đi thi và đoạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm học 2016-2017, cô
tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật ở lĩnh vực Hóa học, cô đoạt giải 3 cấp huyện
và giải khuyến khích cấp tỉnh.
Ghi nhận
những nỗ lực đó, cô đã 3 lần được UBND Tỉnh tặng Bằng khen, nhiều năm liền được
UBND huyện tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp sơ sở, tặng giấy khen và
được tuyên dương người giáo viên dạy giỏi.
Khi hỏi
về bí quyết thành công, cô Xuân tâm sự: “Người giáo viên phải luôn tự học tập bồi
dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay. Bên cạnh
đó thì rất cần sự quyết tâm của học trò, sự đồng hành của phụ huynh, sự hỗ trợ
của đồng nghiệp, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Đặc biệt, tôi may mắn có người
chồng công tác trong ngành giáo dục đã hiểu, thông cảm và tạo điều kiện tốt nhất
để tôi phát huy năng lực. Với tôi, phần thưởng lớn nhất chính là sự trưởng
thành của các thế hệ học trò, giúp các em có tri thức trong hành trình chinh phục
tương lai”.
Khắc Bảy